(TTĐN) - Với những đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang thảo luận của quý IV, cho nhiều hy vọng về khả năng cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay, đạt được mục tiêu đặt ra.
(TTĐN) - Với những đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang thảo luận của quý IV, cho nhiều hy vọng về khả năng cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay, đạt được mục tiêu đặt ra.
Ông Giang cho biết các doanh nghiệp cũng phải đứng trước áp lực về tính ổn định của đơn hàng do quyết định thay đổi nhanh chóng của các nhãn hàng. Chẳng hạn, đơn hàng đã đàm phán xong, nhưng sức tiêu thụ chỉ cần chững lại trong 1 - 2 tuần thì họ cũng sẵn sàng tạm dừng đơn hàng.
Thách thức tiếp theo mà ngành dệt may phải đối mặt chính là đơn giá không tăng. Số liệu của Vitas cho thấy đơn giá xuất khẩu xơ, sợi trung bình của Việt Nam qua các tháng trong năm 2024 vẫn giảm so với mức nền thấp của năm 2023. Cá biệt như tháng 2, đơn giá trung bình khoảng 2.433 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thách thức nữa liên quan đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất bởi hiện tại, các FTA thế hệ mới đang đòi hỏi yêu cầu xuất xứ từ sợi, vải trở đi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều xơ sợi và vải, đặc biệt từ Trung Quốc.
Ngoài ra, tăng trưởng xanh dù là cơ hội giúp vị thế thương hiệu dệt may của Việt Nam “chắc chân” hơn ở thị trường xuất khẩu, song cũng là thách thức không nhỏ khi chuyển đổi như tài chính đầu tư cho xanh hóa, cấp các chứng chỉ xanh hóa (thuê các tổ chức đánh giá tư vấn hoàn thiện để được cấp chứng chỉ).
Để đạt mục tiêu xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025 và phát triển bền vững, theo lãnh đạo Vitas, chiến lược dài hạn của ngành dệt may Việt Nam là tích cực đa dạng hóa dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng khác nhau và mở rộng thị trường xuất khẩu. Kể từ sau đợt sụt giảm sức cầu hậu đại dịch Covid-19 đến nay, các nhãn hàng, hệ thống phân phối có xu hướng đặt hàng từ nhà máy và chuyển thẳng đến cửa hàng phân phối hoặc bán lẻ mà không qua kho như trước đây.
Với xu hướng đặt hàng như hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất, không cần quá nhiều nhân công nhưng phải sản xuất được đơn hàng giao nhanh trong 1-2 tháng thay vì 6 tháng đến 1 năm như trước đây. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết chuỗi từ nguyên liệu, máy móc thiết bị, thiết kế đến thương mại sản phẩm để điều phối đơn hàng. Về hoạt động sản xuất, phải tận dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm.
Xu hướng đặt hàng hiện nay cho thấy việc gia công các sản phẩm cơ bản với số lượng lớn không mang lại hiệu quả cao do giá gia công rất thấp, các sản phẩm thời trang với đơn hàng nhỏ chiếm ưu thế. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh cần chủ động phát triển về đầu chuỗi cung ứng - khâu thiết kế. Mô hình trung tâm phát triển sản phẩm đang được nhiều đơn vị chú trọng và chắc chắn phát huy hiệu quả trong ngắn hạn. Các đơn vị có đủ chuỗi sản xuất cần đặt mục tiêu cụ thể về tỷ lệ sản phẩm chuỗi và quyết liệt theo đuổi.
Vinatex cũng có kế hoạch nâng cao năng lực dệt nhuộm để tiệm cận hơn với năng lực sợi và may. Bước đầu tạo kênh liên kết một nhóm đơn vị sợi – dệt nhuộm – may phù hợp về mặt sản phẩm và công nghệ để hình thành chuỗi cho một vài sản phẩm đặc thù.
Đưa ra các giải pháp để tận dụng các cơ hội nhỏ nhất từ thị trường, ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng Giám đốc Dệt kim Đông Xuân, cho biết doanh nghiệp phải chủ động triển khai các giải pháp nhằm điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh để thích ứng với thị trường; đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, khách hàng, mở rộng thị trường, qua đó bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Cụ thể, Dệt kim Đông Xuân sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: cải tiến quy trình công nghệ nhằm tiết giảm các chi phí sản xuất (điện, hơi, nước, hóa chất, công lao động) để gia tăng hiệu quả cho sản xuất và tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá thành; đầu tư, đổi mới thiết bị trong dây chuyền sản xuất nhằm đa dạng hóa mặt hàng và mở rộng tệp khách hàng, thị trường hiện có. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, góp phần thúc đẩy năng suất lao động; đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D)…
Trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường và yêu cầu mới của khách hàng, lãnh đạo Vitas lưu ý doanh nghiệp nào nhanh chóng ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Ngược lại, các nhà máy chậm thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi chung. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp dệt may xanh hóa nhà máy...
Trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam còn có nhiều lợi thế, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực. Đây là thị trường mang tính toàn cầu mang lại lợi thế rất lớn cho dệt may Việt Nam. “Cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ngành cũng tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số cũng như thích ứng tốt trước các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu. Đây chính là tiền đề, là cơ sở cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2024”, ông Giang nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may báo cáo kết quả kinh doanh trong quý 3/2024 tăng trưởng nhờ tình hình xuất khẩu khả quan, nhiều đơn vị đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm, thậm chí cả quý 1/2025 và đang đàm phán quý 2/2025.
Điển hình như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Động lực tăng trưởng của Vinatex đến từ việc đơn hàng tăng cao trong thời gian gần đây, khi tình hình chính trị bất ổn diễn ra tại các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Bangladesh và Myanmar.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận đạt 111,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2024, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này có được từ việc công ty tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Vitas, ngành dệt may hiện đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp hiện ít có cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, chủ yếu phải nhận những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe.
“Có nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải chịu trách nhiệm tới cùng chất lượng. Người tiêu dùng nếu phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, họ sẽ trả lại cho cửa hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ phản hồi với nhà máy cung ứng. Nếu tỷ lệ phản hồi xấu này vượt quá mức cho phép, nhãn hàng sẽ dừng hợp tác với các doanh nghiệp dệt may. Điều này tạo ra sức ép rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Giang nêu thực tế.